10 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG & DI SẢN VĂN HÓA TRONG HỌC ĐƯỜNG

Để đưa “bảo tàng đến với công chúng”, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, từ năm 2007, Bảo tàng Cần Thơ mạnh dạn đưa di sản văn hóa vào trường học thông qua chương trình “Giáo dục truyền thống và Di sản văn hóa trong học đường”.
Giáo dục truyền thống và Di sản văn hóa trong học đường tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh

Bước đầu công tác này gặp nhiều khó khăn; các nhà trường rất đắn đo để thực hiện do không biết nội dung tuyên truyền gì? Thời gian tuyên truyền có ảnh hưởng đến nội dung sinh hoạt của trường? Về phía Bảo tàng, thuyết minh viên chỉ thuyết minh tại chỗ, chưa quen hình thức “ra khỏi Bảo tàng”, phải chuẩn bị bài nói phù hợp với chủ đề, lứa tuổi, đối tượng…
Năm học 2006 – 2007, năm đầu tiên triển khai công tác này chỉ thực hiện trực tiếp được 02 trường đó là trường THPT Nguyễn Việt Hồng (sinh hoạt dưới cờ) và trường THPT Châu Văn Liêm (ngoại khóa – tại Hội trường) thu hút được 1.497 lượt học sinh. Đến năm học 2007 – 2008, thực hiện được 05 trường và gửi bài cho 03 trường để phát ở Đài phát thanh măng non của các trường, dán ở bản dán tin cũng thu hút được 21.033 lượt.

Đến năm học 2016 – 2017, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện và ký kết với 67 trường qua 159 buổi sinh hoạt, gửi bài 33 trường, thực hiện chương trình 14 lượt trường và triển lãm bộ ảnh lưu động ở 13 trường, thu hút 76.978 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên tham dự.
Bên cạnh việc cử thuyết minh viên đến các trường học, Bảo tàng còn sáng tạo ra các hình thức sinh hoạt mới, đưa chương trình đến các trường ở vùng ngoại ô.
Đó là các đề tài ứng dụng vào thực tế để phát huy các di sản văn hóa. Bước đầu chọn đối tượng là học sinh trung học cơ sở, đưa vào từng tiết học như “Lồng ghép dạy nông cụ lao động sản xuất của người Việt” trong môn Giáo dục Công dân của học sinh lớp 7; Giáo dục đạo đức, nâng cao trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, trân trọng thành quả lao động qua đề tài “Trải nghiệm và thăm làng nghề Dệt chiếu Cái Chanh” trong tiết học ngoại khóa của môn Lịch Sử lớp 7...
Từ mô hình này, Bảo tàng thành phố Cần Thơ duy trì và nhân rộng thêm các đối tượng, đến các trường trên địa bàn thành phố. Đến nay, đã thực hiện gần 30 lượt trường và đồng thời lồng ghép nội dung “Em là nghệ nhân” trong chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” được tổ chức hằng năm tại Bảo tàng,.
Nắm bắt nhu cầu sinh hoạt hè, Bảo tàng thành phố Cần Thơ kết hợp với các Quận, Huyện Đoàn tổ chức chương trình “Vui hè học Sử”, tạo cho các em không gian “học mà chơi, chơi mà học”. Trong chương trình này các em được nghe giới thiệu, học trực tiếp tại di tích, chơi một số trò chơi phù hợp với lứa tuổi và nội dung lễ hội tại nơi các em tham quan như: “Lễ vật dâng thần”; “Khẩu hiệu từ trái tim”, “Em tập làm hướng dẫn viên”…
Bảo tàng thành phố Cần Thơ còn xây dựng chương trình “Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo quê hương”, tuyên truyền giáo dục về chủ quyền của Việt nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; qua đó giúp các em hiểu và khẳng định 02 quần đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; Chương trình “Em học lịch Sử qua tư liệu hiện vật Bảo tàng” thông qua “Tiết học Sử tại Bảo tàng” đưa vào Tiết 3, bài 23 trong sách giáo khoa Lịch sử 12; Chương trình “Một ngày làm nông dân” giúp các em được hòa mình vào vai “nông dân”, trân trọng thành quả lao động hơn.
Để công tác này ngày càng nhân rộng, Bảo tàng còn xây dựng và thành lập các “Đội tuyên truyền di sản văn hóa trong trường học” thông qua chương trình “Em tập làm thuyết minh Bảo tàng” – rèn luyện các em kỹ năng thuyết trình trước đám đông bước đầu đã được các trường trên địa bàn thành phố nhiệt tình ủng hộ.
Những chương trình trên đã được các trường đón nhận, đánh giá cao; học sinh thích thú, nhớ lâu, nhớ dai bài học trong sách vở và có thời gian trải nghiệm thực tế. Một số chương trình đã được Đài Phát thành truyền hình thành phố Cần Thơ xây dựng đưa vào chương trình “Búp sen hồng” phát vào tối thứ 7 và sáng Chủ nhật hàng tuần.
Hướng tới, để công tác này ngày càng phát triển, Bảo tàng sẽ cải tiến nội dung, phương thức thực hiện, đẩy mạnh xã hội hoá và tập trung đưa về các trường học ở vùng nông thôn của các huyện trong thành phố./.

Bài: Ngọc Anh
Các bài viết khác:
Lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ thuyết minh di tích năm 2019   (08/07/2019)
Chương trình "Tìm về di sản" trong Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy năm 2019   (06/06/2019)
Quận Thốt Nốt sôi nổi nhiều hoạt động hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019   (18/04/2019)
Hành trình sinh viên đến các di tích lịch sử   (29/03/2019)
Hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa trong học đường năm 2018   (07/01/2019)
<<    1  2  3  4  5  ...    >>